Phê duyệt Đề án “Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU

1. Quan điểm

a) Thống nhất tư tưởng, nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của rừng vùng ven biển trong phòng, chống sa mạc hóa, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

b) Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, bất cập của giai đoạn 2015 - 2020; phù hợp với Chiến lược phát triển lâm nghiệp, Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia và các quy hoạch liên quan, đảm bảo hiệu quả bền vững, hài hòa giữa lợi ích quốc gia với lợi ích của các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; đồng thời đáp ứng các cam kết của Việt Nam khi tham gia Công ước, điều ước quốc tế về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và chống sa mạc hóa.

c) Nhà nước ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách, khuyến khích huy động vốn đầu tư từ các nguồn tài trợ, hỗ trợ quốc tế, các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long.

d) Nhà nước có cơ chế, chính sách để thu hút các thành phần kinh tế, hộ gia đình, cộng đồng dân cư tham gia đầu tư, hưởng lợi từ bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển; phát huy tính chủ động của các địa phương trong các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển.

2. Mục tiêu

Quản lý, bảo vệ và sử dụng rừng bền vững diện tích rừng vùng ven biển hiện có và diện tích rừng được tạo mới trong giai đoạn 2021 - 2030. Phát huy hiệu quả vai trò, chức năng của rừng vùng ven biển trong việc phòng hộ, bảo vệ môi trường và hệ thống kết cấu hạ tầng vùng ven biển; chống sa mạc hóa, suy thoái đất; bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính; tạo việc làm, thu nhập cho người dân vùng ven biển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và củng cố quốc phòng, an ninh, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

II. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Bảo vệ rừng

Quản lý, bảo vệ và sử dụng hiệu quả diện tích rừng vùng ven biển hiện có, đặc biệt là đối với diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất là rừng tự nhiên vùng ven biển.

2. Khôi phục và phát triển rừng

a) Trồng rừng mới: 20.000 ha, gồm:

- Rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển (rừng ngập mặn): 9.800 ha;

- Rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay (trên lập địa đất, cát): 10.200 ha.

Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025, trồng mới 11.000 ha.

b) Trồng bổ sung phục hồi rừng và làm giàu rừng 15.000 ha, gồm:

- Rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển (rừng ngập mặn): 6.800 ha;

- Rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát (trên lập địa đất, cát): 8.200 ha.

Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025, trồng bổ sung phục hồi rừng và làm giàu rừng đối với 9.000 ha.

3. Tăng cường năng lực và phát triển sinh kế cho cộng đồng, người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển.

III. GIẢI PHÁP

1. Cơ chế, chính sách

Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Luật Lâm nghiệp 2017 và các cơ chế, chính sách hiện hành. Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống sa mạc hóa và suy thoái đất, cơ chế chính sách về khôi phục và phát triển rừng ven biển gắn với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

2. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao năng lực, nhận thức về vai trò, giá trị của rừng vùng ven biển

a) Tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về vai trò của rừng vùng ven biển trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, chống sa mạc hóa, chống suy thoái đất, cung cấp giá trị kinh tế, xm hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Tuyên truyền, vận động người dân chấp hành pháp luật về lâm nghiệp, vận động các hộ gia đình sống trong và gần rừng ký cam kết bảo vệ rừng, xây dựng và thực hiện các quy ước bảo vệ rừng.

b) Xây dựng các tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật về bảo vệ, trồng và phục hồi rừng vùng ven biển. Tổ chức tập huấn, phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các chủ rừng và toàn xã hội trong việc bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển.

3. Khoa học, công nghệ

a) Tiếp tục nghiên cứu, chọn, tạo giống cây trồng rừng vùng ven biển có sức chống chịu cao, thích ứng với biến đổi khí hậu; nghiên cứu, hoàn thiện các hướng dẫn kỹ thuật, giải pháp phòng, trừ sinh vật gây hại cây rừng vùng ven biển.

b) Hoàn thiện cơ sở dữ liệu rừng vùng ven biển, phục vụ quản lý, giám sát.

c) Nhân rộng các mô hình bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển gắn với chống sa mạc hóa và suy thoái đất, sản xuất nông lâm ngư kết hợp.

4. Thực hiện nhóm các nhiệm vụ ưu tiên

a) Xây dựng rừng giống, vườn ươm sản xuất cây giống phục vụ trồng rừng vùng ven biển.

b) Bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, chống sạt lở bờ biển, đặc biệt ưu tiên vùng đồng bằng sông Cửu Long.

c) Trồng rừng phòng hộ chắn gió bão, chắn cát bay, bảo vệ môi trường, phòng chống sa mạc hóa, vùng ven biển, đặc biệt là các tỉnh miền Trung.

d) Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, làm giàu rừng và bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn động vật, thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm tại các khu rừng đặc dụng, các khu rừng có tính đa dạng sinh học cao tại vùng ven biển.

đ) Khuyến lâm, chuyển giao giống, kỹ thuật trồng rừng sản xuất, xây dựng mô hình nông lâm kết hợp, cải thiện sinh kế, gắn kết người dân và doanh nghiệp theo chuỗi giá trị sản phẩm.

e) Hợp tác công tư trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển gắn với phát triển sinh kế, kết hợp du lịch sinh thái và quản lý rừng cộng đồng.

g) Tổ chức theo dõi, giám sát, cập nhật cơ sở dữ liệu tài nguyên rừng vùng ven biển.

h) Giao đất gắn với giao rừng, cắm mốc giới phân định ranh giới rừng, lập hồ sơ quản lý rừng.